Ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình: Hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu phát triển

Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình vẫn đạt được những kết quả khả quan, không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế. Các kết quả này đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề phát triển trong năm 2023.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Hòa Bình, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2022 ước đạt 4,8%, tăng 0,3% so với kế hoạch giao; giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt 12,53 nghìn tỷ đồng, tăng 4,82% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, đạt kế hoạch đề ra. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới dự kiến 06 xã. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5%, đảm bảo mục tiêu so với kế hoạch.

Giá trị sản xuất trồng trọt theo giá so sánh ước cả năm đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 117 nghìn ha, bằng 98,6 kế hoạch, trong đó cây lương thực có hạt 71 nghìn ha, sản lượng ước đạt 36,6 vạn tấn; giá trị thu nhập trên 1ha diện tích đất canh tác trồng trọt ước đạt 155 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2021. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh cả năm ước đạt 3,73 nghìn tỷ đồng, tăng 3,14% so với cùng kỳ.

Ước tính đến hết năm 2022, tổng đàn trâu là 114.572 con, bằng cùng kỳ năm 2021; đàn bò hiện nay là 87.912 con, tăng 0,5% so với cùng kỳ; tổng đàn lợn hiện nay là 476.124 con, đàn gia cầm 9,1 triệu con, tăng lần lượt 4,2% và 9,6% so với năm 2021. Sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng ước tính: Thịt trâu xuất chuồng đạt 4.118 tấn, tăng 8,0% so với cùng kỳ; thịt bò xuất chuồng đạt 3.521 tấn, tăng 13,2%; thịt lợn hơi xuất chuồng 64.313 tấn, tăng 0,9%; thịt gia cầm 26.512 tấn, tăng 5,4%. 

Để có được kết quả này, Sở NN&PTNN đã chủ động thực hiện các chương trình, đề án và kế hoạch hành động cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu phát triển ngành; tham mưu thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhờ vậy, mặc dù đầu năm có chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành năm 2022 đều đạt và vượt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đến các huyện/thành phố; tình hình tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến rõ rệt. Một số sản phẩm chủ lực (mía, nhãn, chuối) đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ, Hàn Quốc, EU).

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước được tăng cường và phát huy hiệu quả; hoạt động sản xuất, cung ứng, kinh doanh, quảng bá vật tư nông nghiệp được kiểm tra, giám sát, đảm bảo các quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ có tính đột phá hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu.

Ông Nguyễn Huy Nhuận – Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình có diện tích đất tự nhiên lớn, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 14,03%, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm cho hơn 80% dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã định vị những lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hữu cơ, bền vững, có giá trị gia tăng lớn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện có chiều sâu, thực chất hơn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng công nghệ cao,  tăng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tích cực huy động, tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, nhất là nguồn lực xã hội hóa.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Vietnam Business Forum